CẤU TẠO TỪ CỦA HỆ THỐNG SỐ ĐẾM TRONG CÁC NGÔN NGỮ (NHỮNG BÀI TOÁN TRONG CÁC CON SỐ)
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Hệ thống số đếm được xem xét trong bài này như một hệ thống tín hiệu nhỏ rất điển hình của hệ thống tín hiệu lớn trên nó là ngôn ngữ. Tính hai mặt của tín hiệu thể hiện rất rõ: hầu hết các con số đều có hai nghĩa: nghĩa cấu tạo từ và nghĩa từ vựng. Dưới tầng sâu của các bài toán cộng, nhân là tư duy toán học và ngôn ngữ của các dân tộc. Tư duy toán học của người Việt thể hiện ra ở “mười”, “mươi”, “một chục” dựa trên cơ sở hệ thập phân (decimal numeration), của người Pháp là hệ nhị thập phân (80=4x20) (vigesimal numeration) và của các dân tộc Đài Loan là đếm trên bàn tay. Tính hệ thống và đặc trưng dân tộc cũng thể hiện rất rõ, cho dù là hệ thống số đếm được vay mượn từ một ngôn ngữ khác. Tư liệu nghiên cứu được hạn chế trong các ngôn ngữ dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam và trong hai ngữ tộc lớn ở Đông Nam Á là ngữ tộc Nam Á (Austroasiatic) và ngữ tộc Nam Đảo (Austronesian) đúng hơn là Austro - Tai, có liên quan mật thiết đến tiếng Việt. Khi cần, chúng tôi còn sử dụng đến các ngôn ngữ bên ngoài biên giới Việt Nam. Để nhận rõ các đặc điểm cấu tạo số từ của các ngôn ngữ đơn lập, phân tích tính ở Việt Nam và Đông Nam Á, chúng tôi sẽ so sánh đối chiếu với hệ thống số đếm của các ngôn ngữ Ấn - Âu, điển hình của loại hình ngôn ngữ tổng hợp tính và khá quen thuộc với chúng ta như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức và rút ra kết luận. Điều cuối cùng mà bài viết này hướng đến là qua việc so sánh các hệ thống số đếm trong các ngôn ngữ hiện đại trong một không gian rộng, người đọc có thể hình dung được các bước tiến hoá của chúng trong thời gian từ chục nghìn năm trước đây đến một nghìn năm gần đây và mối quan hệ về nguồn gốc xa xưa của các ngôn ngữ.
Chi tiết bài viết
Từ khóa
số đếm, tư duy, toán học, ngôn ngữ, đặc trưng dân tộc