Nghĩa học Việt ngữ Tác giả: Nguyễn Thiện Giáp, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2014, 327 trang
Main Article Content
Abstract
Nghĩa (meaning) và nghĩa học (semantics) luôn giữ vị trí trung tâm của ngôn ngữ học. Bản chất của nghĩa ngôn là gì và quá trình kiến tạo nghĩa ngôn xảy ra như thế nào là hai câu hỏi lớn đối với các nhà ngôn ngữ học trên thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Ngữ nghĩa học bao gồm nghĩa từ vựng và nghĩa cú pháp. Tuy nhiên, vấn đề nghĩa trong tiếng Việt chưa được giới Việt ngữ trong nước quan tâm thỏa đáng. Hệ quả là ngoài một vài công trình của Đỗ Hữu Châu, các nhà nghiên cứu, các học giả và nghiên cứu sinh chuyên ngành ngôn ngữ học khó có thể tìm được những công trình nghiên cứu về nghĩa trong tiếng Việt một cách khoa học và có hệ thống. Cuốn sách ‘Nghĩa học Việt ngữ’ của Giáo sư Nguyễn Thiện Giáp được xuất bản là đúng lúc và đáng hoan nghênh.
Ngoài phần Lời nói đầu trong đó tác giả đưa ra sự phân định giữa ngữ nghĩa học (linguitsic semantics) với nghĩa học (semantics) nói chung, cuốn sách bao gồm bốn chương. Trong Chương 1, tác giả trình bày tổng quan về ngữ nghĩa học, bao gồm các định nghĩa khác nhau về ngữ nghĩa học và các bình diện khác nhau của nghĩa. Điểm đáng chú ý trong chương này là tác giả đưa ra sự phân biệt nghĩa của đơn vị ngôn ngữ với những thông tin được truyền đạt. Tác giả viết: “Nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ - nghĩa từ vựng và nghĩa ngữ pháp – là nội dung được quy định trong hệ thống ngôn ngữ. .... Còn những thông tin được truyền đạt chính là các phạm trù khái niệm và các phạm trù khác nằm ngoài phạm vi cấu trúc ngôn ngữ. Khi giao tiếp, người ta không trao đổi những nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ mà trao đổi thông tin được truyền đạt (tr. 13).
Chương 2 bàn về ‘Nghĩa học từ vựng tiếng Việt”. Trong chương này, sau phần trình bày cô đọng tổng quan về nghĩa học từ vựng tiếng Việt, hai vấn đề rất thú vị và hữu ích là ‘biểu tượng tinh thần’ trong nghiên cứu về ngữ nghĩa và vấn đề ‘Biến đổi ý nghĩa của đơn vị từ vựng’. Với hai nội dung này, tác giả đã đưa ra được một khung lý thuyết tương đối đầy đủ cho việc nghiên cứu nghĩa học Việt ngữ nói riêng và ngữ nghĩa học nói chung. Đặc biệt, những nội dung cơ bản của ngữ nghĩa học tri nhận và bình diện xã hội của ngữ nghĩa được tác giả trình bày một cách dễ hiểu đối với ngay cả những người chưa có kiến thức cơ bản về ngôn ngữ học tri nhận nói chung và ngữ nghĩa học tri nhận nói riêng. Tôi cho rằng phần lớn giá trị khoa học của cuốn sách nằm ở chương này.
Từ nội dung nghĩa học từ vựng tiếng Việt, tác giả chuyển sang trình bày ‘Nghĩa học cú pháp tiếng Việt” trong chương 3. Nội dung chính của chương này là nghĩa học cú pháp tiếng Việt được nghiên cứu dưới giác độ chức năng và ngữ dụng với trọng tâm sự phân biệt về nghĩa của câu và nghĩa của phát ngôn.
Chương 4 giới thiệu về các phương pháp nghiên cứu ngữ nghĩa. Trong chương này, tác giả trình bày các thủ pháp phổ biến được sử dụng để nghiên cứu ngữ nghĩa theo các trường phái ngôn ngữ học khác nhau như: cấu trúc, chức năng, tri nhận, và lô gic-toán-tâm lý. Sau khi đọc xong chương này, người đọc sẽ có được một bức tranh toàn diện về các thủ pháp nghiên cứu ngữ nghĩa nói chung và nghĩa học Việt ngữ nói riêng. Tuy nhiên, tôi thấy có một chút gì đó hụt hẫng khi không thấy tác giả đưa ra những định hướng nghiên cứu ngữ nghĩa theo đường hướng liên ngành, mặc dù tác giả có nhắc đến đường hướng này trong phần đầu của chương.
Nói tóm lại, “Nghĩa học Việt ngữ” là một đóng góp có giá trị khoa học của Giáo sư Nguyễn Thiện Giáp. Các nhà nghiên cứu, các học giả và đặc biệt học viên cao học và nghiên cứu sinh ngành ngôn ngữ học và ngôn ngữ học ứng dụng sẽ tìm được trong cuốn sách này những nội dung khoa học ngữ nghĩa hữu ích và cập nhật. Cùng với các công trình khác của Giáo sư Nguyễn Thiện Giáp như ‘Dụng học Việt ngữ’, ‘Từ vựng học tiếng Việt’, ‘Các phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ học’, cuốn sách này sẽ giúp những ai quan tâm đến tiếng Việt có được một cách nhìn tương đối đầy đủ và khoa học về Việt ngữ.